Câu chuyện khởi nghiệp của giáo viên thời 4.0

Việt Nam đang tích cực chuyển dịch sang nền kinh tế số để bắt kịp cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và TMĐT là thị trường sôi động của các hoạt động khởi nghiệp.

Vừa là nhà bán hàng thành công trên thương mại điện tử, vừa là giáo viên, chị Trâm, anh Tín cho thấy tư duy, sự linh hoạt khi làm tốt hai vai trò cùng lúc.
Việt Nam đang tích cực chuyển dịch sang nền kinh tế số để bắt kịp cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Trong quá trình chuyển dịch đó, thương mại điện tử được xem là một trong những thị trường sôi động nhất trong các hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, thu hút.

Khởi nghiệp trong thương mại điện tử không đơn thuần là một cuộc chơi mà là một hành trình đầy gian khổ. Muốn thành công, người khởi nghiệp phải có định hướng đúng đắn, có thể tìm thị trường ngách, lối đi riêng mà không đánh đổi quá nhiều chi phí. Câu chuyện của chị Ngọc Trâm hay anh Trần Tín dưới đây là điển hình cho nhà bán hàng khởi nghiệp thành công bên cạnh vai trò là một giáo viên.

Bước ngoặt từ cô giáo IELTS đến bà chủ thương hiệu trà sữa online

Sau gần hai năm phát triển sự nghiệp kinh doanh, điều khiến chị Ngọc Trâm (TP HCM) tiếc nhất là không đầu tư cho đam mê này sớm hơn. Trước khi là bà chủ của thương hiệu trà sữa bán chạy nhất nhì trên Lazada, chị Trâm là cô giáo dạy tiếng Anh ở một trung tâm. “Nếu không có đợt dịch Covid-19, có lẽ tôi sẽ vẫn theo nghiệp nhà giáo và vẫn đang ôm mộng kinh doanh”, chị Trâm nhớ lại.

Khi dịch bệnh bùng phát, trung tâm tiếng Anh phải đóng cửa, công việc của chị cũng gián đoạn. Vốn có máu kinh doanh từ bé, thời gian ở nhà, chị nảy ý tưởng bán trà sữa – một trong những món tủ của mình.

Nghĩ là làm, chị đăng ký một lớp học chuyên về pha chế trà sữa, cộng với kinh nghiệm của bản thân, chị Ngọc Trâm đã phát triển được công thức trà sữa riêng. “Vì làm đúng đam mê nên tôi không cảm thấy áp lực hay khó khăn nhiều”, chị chia sẻ thêm.

Câu chuyện khởi nghiệp của giáo viên thời 4.0 (1)

Từ cô giáo dạy IELTS, chị Ngọc Trâm đã chuyển hướng và sở hữu gian hàng trà sữa thành công trên Lazada.

Với công thức đã được người thân “thẩm định” và ủng hộ, chị Trâm quyết chi 600 triệu đồng để mở cửa hàng trà sữa. Đó cũng là thời điểm, đợt dịch đầu tiên được khống chế.

Quán trà sữa của chị rộng chừng 400m2, chủ yếu phục vụ các bạn trẻ. Vì định hướng đúng đối tượng khách hàng nên quán lúc nào cũng đông đúc.

Nắm lấy thời cơ, chị phát triển mô hình trà sữa take away (mua về) với diện tích khoảng 15m2. Chuỗi cửa hàng take away của chị Trâm thu hút đông đảo khách hàng vì mọi người đều ý thức việc tránh tụ tập nơi đông người để hạn chế dịch bệnh.

Chị Trâm nhanh chóng nhân rộng chuỗi cửa hàng, không chỉ ở TP HCM mà ra cả các tỉnh như Nha Trang, Biên Hoà, Bình Dương, Cần Thơ, Hà Nội… “Nếu không gặp đợt dịch vừa rồi, chuỗi cửa hàng trà sữa take away đã mở rộng đến 50 cửa hàng. Tuy nhiên, đây lại là cơ hội đưa tôi đến với mô hình kinh doanh trên thương mại điện tử”, chị Trâm chia sẻ.

Giữa năm 2021, khi lệnh giãn cách tại TP HCM được siết chặt, chị Trâm phải tạm đóng cửa quán trà sữa. Không đầu hàng trước thực tại, chị tính đến cách làm thế nào để khách hàng vẫn có thể uống trà sữa tại nhà.

Rồi ý tưởng trà sữa tự pha tại nhà loé lên. Suốt mấy tuần liền, chị tập trung nghiên cứu công thức pha chế sang dạng bột đóng gói tiện lợi để người mua có thể dễ dàng sử dụng theo hướng dẫn. Sau khi tung những sản phẩm đầu tiên ra thị trường, chị Trâm nhận được sự ủng hộ lớn từ các bạn trẻ.

“Nhu cầu uống trà sữa của giới trẻ khá cao. Sản phẩm của tôi vừa đáp ứng được điều đó lại vừa đảm bảo các yếu tố liên quan đến việc giãn cách xã hội nên khá thuận lợi trong việc tiêu thụ. Thương hiệu của tôi gần như là tiên phong trong việc bán trà sữa tự pha tại nhà”, chị Trâm chia sẻ thêm.

Tháng 7, chị Trâm quyết định mở gian hàng thương hiệu trà sữa tự pha tại nhà trên Lazada. “Đúng là gặp thời thế, ngay trong tháng ra mắt gian hàng trên nền tảng thương mại điện tử, tôi đã có gần 2.000 đơn đặt hàng. Nhưng vì là lần đầu bán hàng trên thương mại điện tử nên tôi bị choáng ngợp và gặp một số khó khăn”, chị tâm sự.

Vì là lần đầu chuyển dịch, chưa nắm được phương pháp vận hành gian hàng, số lượng đơn đặt mua đã tăng chóng mặt nên chị không kịp chuẩn bị nhân sự đóng hàng. Có ngày gian hàng của chị nhận mấy trăm đơn. “Vui vì sản phẩm được đón nhận nhưng quả thật, tôi cũng khá mệt khi phải huy động mọi người trong nhà hỗ trợ đóng đơn để kịp giao cho khách”, chị nhớ lại.

Sản phẩm trà sữa tự pha của chị Trâm được bán với giá từ 115.000 đồng đến 145.000 đồng cho một set pha được khoảng 25-35 ly. Theo chị, trà sữa là sản phẩm được nhiều bạn trẻ yêu thích. Đối tượng này lại thường xuyên mua sắm trên thương mại điện tử trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp nên tình hình kinh doanh của chị “phất lên như diều gặp gió”.

Vào những dịp lễ hội mua sắm trên sàn thương mại điện tử, doanh thu của gian hàng thường tăng gấp đôi, thậm chí gấp ba ngày thường. Trong đợt lễ hội mua sắm 11.11 vừa qua, gian hàng của chị nhận tới 2.500 đơn chỉ trong một ngày, doanh thu tăng trưởng hơn 500%. Theo chia sẻ của chị, trước khi diễn ra ngày giảm giá 11.11, nhiều khách hàng đã thêm sản phẩm vào giỏ hàng nên chị cũng dự đoán được phần nào số lượng sản phẩm cần có.

Nâng tầm hình thức kinh doanh truyền thống của gia đình nhờ TMĐT

Sinh ra trong gia đình có truyền thống kinh doanh, anh Trần Tín (TP HCM) sớm kế thừa sự nghiệp của người thân. Điều khác biệt là anh đã đưa mô hình kinh doanh của gia đình phát triển lên tầm cao mới, mở rộng quy mô ra khắp cả nước nhờ ứng dụng linh hoạt thương mại điện tử.

Hiện, anh Trần Tín sở hữu một trong những gian hàng phụ kiện làm đẹp lớn nhất trên Lazada. Anh đồng thời là giảng viên của Học viện Lazada – nơi chia sẻ những kinh nghiệm bán hàng cho nhiều người muốn thành công trên nền tảng thương mại điện tử này.

Để trở thành giảng viên tại Lazada, bên cạnh khả năng thuyết trình, sự tự tin, tương tác tốt với học viên, anh Tín còn có những am hiểu về lĩnh vực kinh doanh thương mại điện tử. Những kinh nghiệm từng trải giúp anh đưa ra lời khuyên thực tế dành cho các học viên.

Câu chuyện khởi nghiệp của giáo viên thời 4.0 (2)

Anh Trần Tín (đứng) trong một buổi giảng dạy tại Học viện Lazada.

Trước khi phát triển gian hàng thương mại điện tử trên Lazada, anh Tín đã có điều kiện tiếp xúc sớm với ngành này khi du học Mỹ. Khi về nước, anh là freelancer (làm việc tự do) trong lĩnh vực phát triển thương hiệu. Song song đó, anh cũng tiếp quản công việc quản lý bán hàng trên website riêng của gia đình.

Năm 2015, thương mại điện tử bắt đầu nở rộ. Chứng kiến một số người bạn dịch chuyển thành công lên nền tảng thương mại điện tử, anh cũng nhen nhóm ý tưởng thử sức. “Tôi cảm thấy việc bán hàng trên website lúc bấy giờ khá thú vị, năng động. Dù kênh bán hàng trực tuyến của gia đình tôi không hề nhỏ và cộng tác với nhiều bên nhưng thương mại điện tử xuất hiện như mở ra một chân trời mới, khác biệt hoàn toàn”, anh Tín đánh giá.

Cuối năm 2017, anh Nguyễn Trần Tín quyết định đưa một phần gian hàng của mình lên Lazada, chuyên về các sản phẩm chăm sóc sức khoẻ và làm đẹp để tối ưu vận hành. Theo anh, ngành hàng này tuy không lớn như mỹ phẩm nhưng khá linh động.

Lúc này, anh vẫn duy trì song song hai hệ thống. Một thời gian sau, anh quyết định đóng hẳn cửa hàng trên website, tập trung vào thương mại điện tử. “Bán hàng trên website dù kiểm soát được giá, ít sự cạnh tranh nhưng lại không tiếp cận được nhiều khách hàng, trong khi với gian hàng trên thương mại điện tử tôi có thể tiếp cận khách hàng từ Hà Giang đến Cà Mau”, anh Tín lý giải.

Khi mới tham gia thương mại điện tử, anh Tín cho biết, việc buôn bán khá thuận lợi vì chỉ cần đăng sản phẩm là có đơn hàng. Tuy nhiên, từ khi ngành này phát triển mạnh mẽ, nhiều nhà bán hàng tham gia, sự cạnh tranh gia tăng, anh nhận thấy cạnh tranh về giá cả không thích hợp.

Do đó, anh tập trung vào việc tối ưu thời gian giao hàng nhằm gia tăng trải nghiệm của người mua. Thông thường, với các đơn ngoại tỉnh, dù ở miền Bắc, anh sẽ cố gắng giao nhanh trong 2 ngày. Với đơn trong thành phố, nếu đặt trước 17h thì chỉ ngày hôm sau là khách hàng có thể nhận được.

Ngoài ra, để tạo sự hứng thú cho khách hàng, anh Tín còn thường xuyên tổ chức mini game, liên kết với KOLs quảng cáo sản phẩm của gian hàng. Anh cũng tích cực tham gia các chương trình dành cho nhà bán hàng trên sàn thương mại điện tử.

Vào đợt dịch cao điểm diễn ra hồi tháng 7, 8, 9 vừa qua, gian hàng của anh tăng trưởng mạnh. Doanh thu trong lễ hội mua sắm 9.9 tăng hơn 500% so với tuần trước đó.

Thông thường tỷ lệ chuyển đổi tại gian hàng của anh là 5-7%, tức là cứ 100 người tiếp cận sản phẩm thì có 5-7 người quyết định mua hàng. Vào dịp 9.9, tỷ lệ này tăng gần gấp đôi, đạt khoảng 15%. Trong khi trên thế giới, tỷ lệ chuyển đổi trung bình của ngành là 2%, gian hàng cuar anh Tín đã đạt mức 12-15%.

Tuy lĩnh vực và câu chuyện khởi nguồn kinh doanh khác nhau, chị Ngọc Trâm, anh Trần Tín đều là những tấm gương khởi nghiệp thành công trên thương mại điện tử nhờ linh hoạt nắm bắt xu hướng.

Chia sẻ về ví quyết kinh doanh, anh Tín cho biết: “Thay vì tập trung vào giá cả, tôi đầu tư về mặt hình ảnh, dịch vụ chăm sóc khách hàng để tạo được lượng khách hàng thân thiết. Tôi thường khuyên các học viên tập trung vào việc gia tăng trải nghiệm mua sắm cho người dùng để phát triển và tồn tại trên thương mại điện tử”.

Còn theo chị Trâm, người mới bắt đầu kinh doanh nên trang bị kiến thức tốt về lĩnh vực sẽ theo đuổi. “Trong kinh doanh thua lỗ là chuyện khó tránh khỏi. Để tránh hối tiếc vì bất kỳ điều gì, bạn cần nỗ lực và không ngừng học hỏi, tích luỹ kinh nghiệm”, chị Trâm nói thêm.

Theo VnExpress.net

Độc giả có thể tìm đọc chuỗi bài viết vể Câu chuyện thành công của NBH Lazada tại đây.

Thương hiệu 5
Bài viết trước

Gian hàng hội chợ nhỏ bé và hành trình lập nghiệp của 8X

Bài viết sau

Ra mắt trang quản lý sản phẩm mới với các tính năng được nâng cấp

Bài viết liên quan