Top những khoản phí tuyệt vời đừng bỏ sót khi tính lợi nhuận

Cách tính chi phí vận hành kinh doanh của một người sẽ khác với cách tính của một công ty nhỏ. Dưới đây là những khoản phí bạn có thể bỏ sót khi tính lợi nhuận.

Những khoản phí không nên bỏ sót khi tính lợi nhuận: Góc nhìn của anh Đỗ Quang Huy – Giảng viên Học viện Lazada

phí 1

Cách tính chi phí vận hành kinh doanh của một người sẽ khác với cách tính của một công ty nhỏ với 40 nhân viên cùng làm các vị trí chức năng khác nhau. Khi mãi không thấy tiền đâu, có thể cách tính chi phí của bạn đang có vấn đề. Sau đây là Top 10 loại phí bạn dễ bỏ sót khi tính toán lợi nhuận. 

1. Lương của bản thân

Nhiều Nhà bán hàng mải làm mà quên mất khoảng chi phí trả lương cho bản thân mình. Hãy tự ghi vào bảng chi phí mức lương của mình. Giả sử bạn đi làm ở công ty, với trình độ hiện tại bạn mong muốn mức lương bao nhiêu? 5 triệu, 10 triệu hay 20 triệu? Bạn phải ghi trung thực với năng lực để tính toán chính xác. Ví dụ: mình có 7 năm kinh nghiệm quản lý sàn. Với kinh nghiệm trên, mức lương mình mong muốn khoảng 30 triệu.

Nếu bạn đang có công việc lương ổn định và kinh doanh online làm thêm, lương bạn làm thêm là bao nhiêu? Ví dụ: bạn làm kế toán lương 10 triệu 1 tháng, nếu nhận việc về nhà sẽ kiếm thêm 1 tháng 3 triệu, vậy bạn ghi vào chi phí lương: 3 triệu.

Rõ ràng, chúng ta bỏ thời gian và công sức, cho dù có lấy công làm lãi, bạn vẫn ghi mức lương của mình vào. Hãy ghi thực tế, không bán rẻ sức lao động cũng không đặt mức giá trên trời với khả năng của mình.

2. Chi phí nguyên vật liệu

Các nguyên vật liệu để đóng gói gồm: băng dính, kéo cắt băng dính, túi ny lon, bìa cũ, xốp nổ, hộp carton… hãy ghi hết lại xem tháng vừa rồi chi phí hết bao nhiêu, cho dù bạn có làm gãy 2 cái kéo cắt băng dính, mua thêm 3 cái mới vẫn ghi vào. Ngoài ra còn chi phí mực in, giấy in… Nếu 2 tháng mới mua một lần thì bạn lấy tổng chia 2 sẽ ra chi phí 1 tháng.

Lúc này, bạn sẽ thấy một tháng tiêu cho chi phí vật liệu sẽ tầm khoảng 1-2 triệu, cũng ra gì đấy chứ. Còn như mình có thể lên đến vài chục triệu 1 tháng là chuyện bình thường. Một khoản phí tưởng ít mà lại rất lớn.

phí 2

Đừng bỏ sót chi phí các nguyên vật liệu lặt vặt (Nguồn ảnh: Cộng đồng Nhà bán hàng Lazada)

3. Chi phí thuê nhà, điện, nước, internet,…

Giả sử bạn đang làm tại nhà. Hãy thử xem giá thị trường nhà mình thuê bao nhiêu tiền? Nếu bạn đang sử dụng 1 tầng hoặc 1 phòng hay được bố mẹ cho nguyên 1 căn nhà chỉ để kinh doanh online thì vẫn nên ghi ra, mặc dù thực tế bạn không phải trả đồng nào. Ví dụ: thuê một phòng tầng 1 kinh doanh online hết 3 triệu /1 tháng, thuê một phòng trên tầng 2 triệu/ 1 tháng, thuê cả nhà 10 triệu/ 1 tháng. 

Một tháng bạn ước chừng xem dùng bao nhiêu tiền điện, tiền nước (mặc dù bố mẹ bạn trả tiền), tiền internet dùng chung hay riêng? Tiền điện thoại (phục vụ gọi khách)? Tiền xăng xe nếu phải chở hàng… Bạn chỉ cần ước lượng, không cần phải chính xác tuyệt đối.

4. Chi phí khấu hao tài sản

Bạn phải mua máy tính, máy in, giá kệ để hàng, thậm chí xe máy thồ hàng… cũng phải ghi vào. Bạn tưởng tượng xem đồ đó dùng được trong bao lâu, mỗi tháng mất giá bao nhiêu rồi chia ra từng tháng sau đó ghi vào mục chi phí. Ví dụ: Xe máy mua mới cứng 20 triệu, 6 tháng thay xăm, lốp 1 lần, 1 năm bảo dưỡng định kỳ khoảng 3 triệu trong 12 tháng , sau 1 năm xe bán được 17 triệu vậy 1 năm hụt đi 6 triệu/ 12 tháng = 500k/ 1 tháng. Tính tương tự với đồ dùng khác.

phí 3

Máy móc và công cụ phục vụ kinh doanh cần được tính chi phí khấu hao (nguồn ảnh: Cộng đồng Nhà bán hàng Lazada)

5. Chi phí khác

Những chi phí khác gồm mọi thứ phát sinh như hàng hỏng do khách đổi trả, hàng hóa bị chuột cắn, mưa làm ẩm ướt, gỉ sét… bạn quy hết ra tiền rồi cho vào mục chi phí. Đến đây, chắc các bạn cũng dần dần nhìn ra được chi phí 1 tháng của mình bao nhiêu rồi phải không?

6. Chi phí hàng hoàn 

Nếu bạn bị mất hàng hoàn, đây là chi phí cho công ty một thành viên của bạn. Việc mất có nhiều lý do, cả chủ quan lẫn khách quan. Nếu ta phát hiện đơn hàng bị mất, không đòi lại được do quá hạn khiếu nại hoặc không có bằng chứng cụ thể, ta ghi giá trị đơn hàng đó vào mục chi phí

Chi phí nguyên vật liệu cho đơn hoàn về cũng mất một khoản. Vì thông thường những nguyên vật liệu này khó tái sử dụng được, chỉ có đem bỏ đi. Giả sử nguyên vật liệu 1 tháng hết 10 triệu và bạn đóng gói được 10.000 đơn hàng như vậy chi phí trung bình 1 đơn là 1.000 VNĐ. Một tháng bạn hoàn 300 đơn tức mất thêm 300.000 VNĐ.

phí 4

Hàng hoàn, hàng hư hỏng cần được tính vào chi phí vận hành

7. Chi phí marketing

Bạn viết ra giấy doanh thu từng tháng, sau đó ghi lại chi phí marketing nội sàn (Quảng cáo, mã giảm giá, combo khuyến mại, freeship …) và ngoại sàn (thuê KOLs, chạy quảng cáo TikTok, Facebook…) rồi so sánh thử 3 tháng với nhau.

Nếu doanh thu tăng đều tương xứng với chi phí. Ví dụ: doanh thu tăng 10% chi phí cũng tăng 10% thì xin chúc mừng, bạn đang kinh doanh rất thuận lợi. 

Nếu doanh thu tăng không đều so với chi phí. Ví dụ: doanh thu tăng 10% nhưng chi phí lại tăng tận 20%, như vậy khoản nào đang phát sinh chi phí và chưa hiệu quả? Bạn cần kiểm tra xem mình có làm sai khâu nào trong vận hành không.

Nếu doanh thu không tăng (đứng im) mà chi phí lại tăng, bạn có thể lỗ lúc nào không hay? Hãy xem ngay lại các gói marketing mình tham gia, xem gói nào tốn phí nhiều nhất mà doanh thu lại tăng ít nhất. 

Nếu doanh thu giảm, chi phí vẫn tăng đều. Chắc chắn phải báo động rồi. Cùng ngồi xuống và nhìn thật kỹ xem điều gì đang xảy ra với các gói marketing của bạn? Mã giảm giá hơi nhiều? Sản phẩm tụt tỷ lệ chuyển đổi?

8. Chi phí lỗ

Dù mới bán nên cần bán lỗ thì bạn cũng đừng quên ghi chi phí lỗ này vào trong bảng hạch toán của mình.  Luôn đặt ra ngân sách lỗ có kế hoạch và thời gian là bao lâu. Đừng để vung tay quá trán.

9. Chi phí set nhầm giá

Dễ gặp nhất là các lỗi không cẩn thận như: mua 5 giảm 5% thì gõ thành giảm 50%, mua giá trị đơn hàng 100.000 giảm 10.000 gõ thành giảm 100.000, đăng ký tham gia khuyến mại với giá 1.200.000 thì gõ nhầm thành 120.000, mua kèm deal sốc với giá 50.000 thì gõ thành 5.000….

Nếu chẳng may bạn “ sai một ly, đi một dặm” thì hãy bình tĩnh . Hãy nhẹ nhàng, can đảm ghi toàn bộ chi phí đó vào trong bảng. Chấp nhận tháng đó làm không công và tập trung hơn. Đừng lặp lại lỗi sai này. 

10. Chi phí quà tặng, thư cám ơn

Bạn sử dụng quà tặng, thư cám ơn để tạo cảm tình cho khách hàng và mong muốn nhận về thật nhiều đánh giá 5 sao. Tuy đó chỉ là những món quà nhỏ nhưng về lâu về dài cũng đáng phải quan tâm. Hãy ghi lại xem chúng ta bỏ chi phí bao nhiêu và thu về được bao nhiêu đánh giá tốt nhé.

Về anh Đỗ Quang Huy

Anh Đỗ Quang Huy hiện là một trong những giảng viên có nhiều đóng góp của Học Viện Lazada với hơn 10 năm kinh nghiệm kinh doanh trên Thương Mại Điện Tử. Con số đáng kinh ngạc này được anh tích lũy qua quá trình chinh phục đa sàn như Vatgia, Enbac, Muare, Cungmua…

Việc vận hành hơn 30.000 đơn hàng/ngày cùng 40 nhân sự giúp anh tăng cường tư duy tốc độ trong kinh doanh của mình cũng như khả năng hoạch định chiến lược xây dựng thương hiệu từ con số 0.

Nhà Bán Hàng có thể tìm đọc những bài viết chuyên sâu của anh Đỗ Quang Huy tại đây, hoặc tìm đọc bài viết hữu ích từ các Nhà Bán Hàng Chuyên Gia khác tại đây.

 

 

Bài viết trước
Chương trình

Chương trình đào tạo dành cho Nhà Bán Hàng Lazada Việt Nam

Bài viết sau

Ngành hàng Sách - Văn phòng phẩm & Thủ công: Mùa thi cử, Nhà Bán Hàng nên bán gì để thu hút sĩ tử?

Bài viết liên quan